top of page

Cộng tác viên của Quốc hội

Anchor 1

Trương Công Phú là cộng tác viên của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội các nhiệm kỳ IX, X, XI theo lời mời của các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân, Nguyễn Đức Kiên và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được.

Trong thời kỳ này các đại biểu Quốc hội chuyên trách chiếm tỷ trọng nhỏ bé. Hầu hết các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm vì  họ đang nắm giữ các trọng trách trong các cơ quan của Đảng và Chính phủ từ Trung ương đến địa phương. Một số đại biểu Quốc hội thường là Thủ trưởng các tổ chức chính trị, xã hội. Một số khác là những nhân vật tiêu biểu, đại diện cho trên 50 dân tộc anh em, đại diện cho các tôn giáo, các trí thức… Họ cũng là đại biểu Quốc hội không chuyên trách.

Trong khi Quốc hội của nước CHXHCN Việt Nam là cơ quan quyền lực cao nhất, là cơ quan lập pháp lại có tỷ trọng đại biểu Quốc hội chuyên trách quá thấp nên không đủ lực lượng để soạn thảo các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết, Quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để khắc phục tình trạng này thì các Bộ, các tổ chức chính trị - xã hội phải tự soạn thảo dự án Luật theo chương trình làm Luật đã được Quốc hội thông qua. Sau khi soạn thảo xong dự án Luật, các cơ quan này thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội thẩm định dự án Luật. Dự án Luật thuộc lĩnh vực nào thì Chủ tịch Quốc hội giao cho Ủy ban của Quốc hội phụ trách vấn đề đó thẩm định. Các Luật về kinh tế và ngân sách thì Chủ tịch Quốc hội giao cho Ủy ban Kinh tế và Ngân sách thẩm định (nay Ủy ban này chia ra làm 2 ủy ban: Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Ngân sách).

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội còn thẩm định các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng và cả năm.

Để hoàn thành khối lượng công việc lớn nói trên, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội mời các nhà khoa học, các cán bộ quản lý có nhiều kinh nghiệm về công tác lập pháp làm cộng tác viên với tư cách nhà tư vấn cho Ủy ban hoàn thành công tác thẩm định đúng thời hạn với chất lượng cao, đặc biệt đề xuất được những kiến nghị khả thi, góp phần đổi mới cơ chế, chính sách theo cơ chế thị trường đảm bảo phù hợp với các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết với các nước nhưng phải theo đúng định hướng XHCN.

Gần 15 năm làm cộng tác viên cho Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, Trương Công Phú đã xử lý khối lượng tài liệu khổng lồ: đọc, phân tích, tổng hợp, nhận xét và đề xuất kiến nghị về những loại văn bản nói trên.

Trương Công Phú cũng được Ủy ban Kinh tế và Ngân sách mời dự các cuộc họp mở rộng của Ủy ban, các cuộc tọa đàm, hội thảo những vấn đề về đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, tín dụng và lưu thông tiền tệ.

Hàng năm, Trương Công Phú được dự họp Quốc hội 2 kỳ tại Hội trường chung và tại tổ với tư cách là khách mời của Quốc hội, trừ các cuộc họp kín thì khách mời không được dự.

Trước khi làm cộng tác viên cho Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, Trương Công Phú được các Bộ trưởng Tài chính Hoàng Anh, Đào Thiện Thi cử dự các kỳ họp của Quốc hội để nghe các đại biểu Quốc hội về chủ đề kinh tế và tài chính, đặc biệt là vấn đề lập Ngân sách Nhà nước, tổ chức thực hiện Ngân sách Nhà nước và quyết toán Ngân sách Nhà nước, trong đó vấn đề sôi nổi là tỷ lệ điều tiết giữa Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương. Các cán bộ cấp vụ của Bộ Tài chính được dự thính các kỳ họp của Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuẩn bị ý kiến cho Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời các đại biểu Quốc hội, mà nay gọi là “chất vấn và trả lời chất vấn”.

Nhiệm vụ chính của các cộng tác viên của Quốc hội là làm tư vấn trong thẩm định các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng và cả năm của Chính phủ trình Quốc hội, các dự án Luật, Pháp lệnh của các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội thẩm định.

Cách làm này có tác dụng trong công tác thẩm định của các Ủy ban của Quốc hội trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để cơ quan soạn thảo hoàn thiện các báo cáo và dự án Luật, Pháp lệnh. Cuối cùng trình Quốc hội xem xét và quyết định.

Quốc hội của nhiều nước không làm Luật như cách làm Luật của Quốc hội nước ta. Quốc hội của các nước đó có thể do một đại biểu Quốc hội hoặc một nhóm đại biểu Quốc hội cùng được quyền soạn thảo một Luật nào đó trình các cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội xem xét và quyết định.

Tổ chức Quốc hội của nhiều nước thường có hai viện: Thượng viện và Hạ viện. Thượng viện gồm các đại biểu Quốc hội có kiến thức và giàu kinh nghiệm trong công tác lập pháp. Hạ viện gồm các đại biểu quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi, nghĩa vụ của cử tri thuộc các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo… Tổng thống ký ban hành một Luật khi quá bán đại biểu Quốc hội của lưỡng viện nhất trí thông qua.

Thể chế chính trị của nước ta là Cộng hòa XHCN, Điều 4 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam ghi rõ Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đất nước ta. Theo ý kiến của Trương Công Phú, nước ta có đủ điều kiện tổ chức Quốc hội lưỡng viện.

Các Thượng nghị sĩ gồm các Ủy viên Bộ Chính trị, các Ủy viên Ban Bí thư, các Ủy viên Trung ương Đảng nếu họ được cử tri tín nhiệm bầu làm Thượng nghị sĩ. Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư làm Chủ tịch Thượng viện, Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước. Cách tổ chức như vậy sẽ có hiệu quả cao, các chủ trương, đường lối, chính sách do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra sẽ được chính các đồng chí đó thể chế hóa thành những Luật, Pháp lệnh… một cách chính xác nhất, nhanh và kịp thời nhất.

Các Hạ nghị sĩ đại diện cho các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, trí thức, nhân sĩ cũng do các cơ quan chức năng của Đảng lựa chọn, giới thiệu, Mặt trận Tổ quốc hiệp thương chọn và giới thiệu cho cử tri tham khảo và quyết định.

Tổ chức Quốc hội theo đề nghị của Trương Công Phú có nhiều ưu điểm: Thứ nhất, đảm bảo được sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thứ hai, việc soạn thảo, thẩm định và phê chuẩn các văn bản pháp quy do Quốc hội thực hiện sẽ nhanh chóng, không chuyển lòng vòng từ cơ quan hành pháp sang cơ quan lập pháp rồi quay về cơ quan hành pháp. Thứ ba, tiết kiệm được chi phí hoạt động làm luật về số lượng cán bộ, về chỗ làm việc, về phương tiện vận chuyển cán bộ và các chi phí khác.

Mấy nhiệm kỳ của Quốc hội vừa qua, Quốc hội của ta có rất nhiều đổi mới đáng tự hào. Nhưng về cách làm luật thì về cơ bản vẫn theo phương pháp cũ, tuy có tăng nhỏ giọt số đại biểu Quốc hội chuyên trách nên chưa đủ số đại biểu Quốc hội soạn thảo, thẩm định, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình ra Quốc hội. Thậm chí có trường hợp vừa làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, vừa làm Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách về lập, tổ chức thực hiện và quyết toán Ngân sách. Cách làm “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như vậy cho dù đồng chí ấy có tính Đảng cao cũng khó mà bảo đảm tính khách quan khi hoàn thành nhiệm vụ đại biểu Quốc hội do dân cử.

 

Trong thời gian làm cộng tác viên của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội với tinh thần vì dân, vì Đảng, Trương Công Phú đã góp một “hạt cát” vào sự nghiệp lập pháp, mặc dù không được hưởng bất cứ một khoản trợ cấp nào để mua giấy bút, trả tiền điện thoại, tiền cước phí xe công cộng khi thực thi nhiệm vụ của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách giao.

 

Nguyện vọng thiết tha của Trương Công Phú là Quốc hội của chúng ta tiếp tục đổi mới công tác lập pháp. Các văn bản pháp quy do Quốc hội ban hành, ngoài việc phải thể hiện chính xác, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu đường lối, cơ chế, chính sách của Đảng phải được thi hành ngay, không chờ Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, chờ các Bộ ra các Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định. Đương nhiên, các Nghị định và Thông tư khó thể hiện chính xác tinh thần và lời văn của các văn bản pháp quy do Quốc hội ban hành, nhất là trong điều kiện chủ nghĩa địa phương, cục bộ, ban vị và lợi ích nhóm vẫn còn tồn tại mà trong tương lai gần vẫn chưa bị đập tan.

Trong một số văn bản pháp quy do Quốc hội ban hành vẫn có các điều ghi: 1) Vấn đề này do luật định. Điều đó có nghĩa là chưa có Luật nào định cả. Vì đã có Luật định rồi thì bao giờ cũng nói rõ điều nào, luật nào đã định vấn đề đó. 2) Hoặc là điều này giao cho Chính phủ hướng dẫn. Lập pháp là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của đại biểu Quốc hội. Hai trường hợp nói trên thể hiện chưa làm hết và chưa làm đầy đủ nhiệm vụ của cử tri giao phó là lập pháp.

Mấy nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua đã có nhiều đổi mới đáng trân trọng, được cử tri hoan nghênh và đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua do Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị Tòng Thị Phóng làm Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng làm Phó Chủ tịch Quốc hội đã cùng với tập thể các đại biểu Quốc hội nâng hoạt động của Quốc hội Việt Nam lên tầm cao mới, làm cho các cử tri trong nước vui mừng, khâm phục, bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nhất là lần đầu tiên trong thể chế Cộng hòa XHCN Việt Nam có hai đồng chí nữ là Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp được cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội, rồi Quốc hội bầu làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Thường trực của Quốc hội. Có cử tri cho rằng Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội phải là những “Đấng nam nhi”, “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Những cử tri đó đã nhầm!!! Hai Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội nữ của nước ta đã tiếp thu và kế thừa truyền thống vẻ vang của Bà Trưng, Bà Triệu trong chống ngoại bang, bà Định, bà Bình trong chiến tranh chống thực dân, đế quốc, đã lãnh đạo Quốc hội hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội theo đúng Hiến pháp quy định, tạo ra một nhiệm kỳ Quốc hội trong những nhiệm kỳ Quốc hội thành công nhất, mang dấu ấn lịch sử.

bottom of page