Học tập
Các năm 1947-1950, Trương Công Phú học cấp I phổ thông ở xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Trương Công Phú được nhận danh hiệu học sinh xuất sắc toàn diện của Trường, được thầy hiệu trưởng Trần Quang Hiển nhiều lần biểu dương, khen thưởng và khuyên vào liên khu V học trung học phổ thông cơ sở vì thời kỳ này vùng tự do của ta ở Quảng Nam - Đà Nẵng chưa có trường trung học phổ thông cơ sở.
Thời kỳ 1951-1954 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta ở Quảng Nam - Đà Nẵng cũng như cả nước đang dần bước vào giai đoạn chuẩn bị tổng phản công, được gia đình đồng ý, Trương Công Phú quyết định chưa đi học tiếp mà dành thời gian, công sức tham gia kháng chiến chống Pháp.
Thời kỳ 1956-1961, Ban Thống nhất Trung ương cử Trương Công Phú học văn hóa ở tỉnh Nam Định và kết hợp làm công tác thanh vận trong học sinh miền Nam học ở Nam Định.
Trương Công Phú mới tốt nghiệp lớp 4 thế mà niên khóa 1956-1957 xin vào học lớp 6. Lúc đầu có khó khăn nhưng với quyết tâm cao, tranh thủ sự giúp đỡ của các thầy cô giáo và bạn bè nên đã hoàn thành xuất sắc chương trình lớp 6, được nhà trường khen.
Các niên khóa tiếp theo cho đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông, năm nào Trương Công phú cũng được công nhận là học sinh xuất sắc toàn diện và được tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Từ tháng 9/1961 đến tháng 8/1962, Trương Công Phú được Bộ Giáo dục và Ban Thống nhất Trung ương cử đi học tiếng Nga ở Trường bổ túc ngoại ngữ Gia Lâm, Hà Nội để chuẩn bị đi học đại học ở Liên Xô. Tiếng Nga là một trong những ngoại ngữ khó học. Hơn nữa, Trương Công Phú lại học tiếng Nga ở lứa tuổi thanh niên, đã qua lứa tuổi thiếu niên nên việc phát âm có khó khăn, phải khổ luyện nói tiếng Nga, người ta mới hiểu và nghe được người ta nói tiếng Nga. Bản thân Trương Công Phú rất cố gắng và nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô giáo Việt Nam và Nga nên khoảng 6 tháng học tiếng Nga, Trương Công Phú đã nghe nói, đọc, viết những chủ đề sinh hoạt đơn giản bằng tiếng Nga.
Trong niên khóa 1961-1962 đến tháng 12/1966, Trương Công Phú học tại trường Đại học Kinh tế - Tài chính Lêningrad (nay là Trường đại học Tổng hợp Kinh tế - Tài chính Xanh-Petecbua, Liên bang Nga) chuyên ngành tài chính lưu thông tiền tệ và tín dụng.
Học đại học năm thứ nhất khá khó khăn vì vốn tiếng Nga quá ít, không đủ từ ngữ để đọc và nghe những môn khoa học xã hội phức tạp như duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, lịch sử Đảng Cộng sản Liên xô, chủ nghĩa Xã hội khoa học, lịch sử các học thuyết kinh tế...
Từ đại học năm thứ hai, khó khăn về tiếng Nga dần được khắc phục.
Để tích lũy được nhiều kiến thức về phục vụ Tổ quốc, ngoài việc học rất vất vả các môn học theo chương trình đào tạo của trường, Trương Công Phú còn đề nghị các giáo sư hướng dẫn học thêm một số môn như: Kinh tế đầu tư và Kinh tế xây dựng; Kỹ thuật và công nghệ xây dựng. Trong thời gian nghỉ hè, Trương Công Phú xin nhà trường đi nghiên cứu và thực tập tại các chi nhánh ngân hàng, các cơ sở tài chính, các xí nghiệp công nghiệp, xây dựng thuộc vùng Lêningrad.
Trong 4,5 năm học đại học có 21 môn học cho điểm, Trương Công Phú thi 20 môn được điểm xuất sắc. Môn học địa lý kinh tế thế giới đạt điểm khá. Khi vấn đáp, Giáo sư môn địa lý kinh tế thế giới hỏi: Nam Tư là nước gì? Trương Công Phú đề nghị giáo sư hỏi câu khác vì quan điểm của Việt Nam khác với Liên Xô về Nam Tư. Giáo sư nói “anh có thể trả lời theo quan điểm của Việt Nam”. “Thưa giáo sư! Nam Tư là nước phát triển, nền kinh tế thị trường giống như các nước tư bản, còn còn chế độ chính trị thì theo chủ nghĩa xét lại hiện đại”. Giáo sư hỏi tiếp: “Anh căn cứ vào đâu mà trả lời như vậy?” - “Thưa giáo sư! tôi căn cứ vào tuyên bố chung của Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân họp tại Matxcơva năm 1961, trong đó đã lên án mạnh mẽ chủ nghĩa xét lại hiện đại Nam Tư”. Giáo sư lại nói: “Liên Xô công nhận Nam Tư là nước Xã hội chủ nghĩa!”. Trương Công Phú lại trả lời: “Thưa giáo sư! đối với tôi, tuyên bố chung của Hội nghị 81 Đảng cộng sản và Công nhân, trong đó có Liên Xô đã khẳng định Nam Tư là nước theo chủ nghĩa xét lại hiện đại, mới quan trọng”. Kết quả thi vấn đáp môn này Trương Công Phú đạt điểm khá. Giáo sư không cho điểm giỏi, mặc dù Trương Công Phú trả lời đầy đủ và chính xác câu hỏi về Công nghiệp chế tạo chính xác của Ukraina và nông nghiệp Bắc Mỹ. Năm 1965, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Việt Nam yêu cầu lưu học sinh Việt Nam ở Liên Xô không học các môn triết học và kinh tế chính trị học. Nếu trước đó đã học thì không tham gia kỳ thi quốc gia các môn này. Điều này có nghĩa là chưa trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp đại học của Liên Xô.
Tiêu chí được cấp “bằng đỏ” tốt nghiệp đại học: tối thiểu 75% các môn thi đạt loại “xuất sắc”, tối đa 25% các môn đạt loại khá và luận văn tốt nghiệp đạt loại “xuất sắc”.
Sau 4 năm 6 tháng học tại Trường đại học Kinh tế - Tài chính Lêningrad, 16 lưu học sinh Việt Nam được Trường cấp chứng chỉ các môn học, ghi điểm hầu hết là “xuất sắc” và khá nhưng không được cấp “bằng đỏ” vì không thi quốc gia các môn nói trên.
Đến ngày 30 tháng 3 năm 1969, hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Kế hoạch Hà Nội căn cứ vào quyết định số 160 ngày 20 tháng 3 năm 1969 của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã công nhận sinh viên tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế Kế hoạch, cấp bằng tốt nghiệp cho Trương Công Phú sinh năm 1938 tại Quảng Nam, đã theo học ngành Tài chính lưu thôngtiền tệ và tín dụng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản hệ dài hạn và đã trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp năm1967.